Tàu ngầm Trường Sa được chế tạo dựa trên những chứng cứ khoa học, những tính toán cụ thể chứ không phải là lừa đảo, chiêu trò quảng cáo công ty hay bản thân mình như nhiều người nói", ông Nguyễn Quốc Hòa - GĐ Công ty TNHH cơ khí Quốc Hòa (thuộc Cụm CN Phong Phú, TP. Thái Bình) khẳng định.

Sáng ngày 26/8, ông Nguyễn Quốc Hòa đã liên lạc với PV báo Đất Việt để có câu trả lời cụ thể tới vị chuyên gia làm việc tại Viện Cơ khí Động lực về việc chế tạo chiếc tàu ngầm mini mang tên Trường Sa đang khiến dư luận có nhiều tranh luận.

Doanh nhân người thái bình Nguyễn Quốc Hòa
Như trước đó báo Đất Việt đã đưa tin, dư luận đang xôn xao với việc ông Nguyễn Quốc Hòa - Doanh nhân trong ngành cơ khí ở Thái Bình đang chế tạo chiếc tàu ngầm sử dụng động cơ AIP (còn gọi là công nghệ không khí tuần hoàn độc lập - động cơ hoạt động không phụ thuộc vào không khí bên ngoài) tiên tiến nhất trên thế giới có thể  lặn sâu 50m và có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển.

Tàu được trang bị hai động cơ 90Hp. Thời gian lặn 15 giờ; thời gian hoạt động trên biển là 15 ngày; tốc độ tính toán 40 km/h (khoảng 20 hải lý/h).

Trước những thông tin này, một vị GS.TS đầu ngành trong lĩnh vực động cơ tàu thủy tại Viện Cơ khí Động lực - ĐH Bách Khoa Hà Nội đã đặt ra hai câu hỏi với ông Hòa như sau:

1. Trong khi các loại tàu ngầm ở trên thế giới đều có tốc độ trung bình vào khoảng 10 hải lý/giờ. Để tàu ngầm chạy được ở tốc độ 40 km/giờ (20 hải lý/h) thì sức cản của nước phải cực kỳ lớn. Vậy ông Hòa dựa trên cơ sở nào để nói rằng tàu ngầm mình chế tạo có thể chạy với vận tốc nhanh ngang và hơn tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam? .

2. Tất cả các thông số trước khi đưa ra cần phải được tính toán và thử nghiệm kỹ càng. Vậy ông Hòa đã dựa trên những tính toán và thử nghiệm nào chưa mà đã đưa ra những thống số cho chiếc tàu ngầm mini mà mình đang chế tạo?.

Trả lời về 2 câu hỏi này, ông Hòa cho biết, tất cả những số liệu được ông đưa ra dựa trên những tính toán cụ thể từ các công thức khoa học trong ngành cơ khí.

"Tất cả các chi tiết đều được tôi tính toán cụ thể, tỷ mỉ dựa trên những công thức toán học, vật lý áp dụng cho ngành cơ khí. Nếu vị chuyện gia ở Viện Cơ khí Động lực đồng ý tôi sẽ mời về Thái Bình để kiểm chứng tất cả các thông tin tôi đưa ra đồng thời cũng xin luôn ý kiến tham khảo của vị chuyên gia này", ông Hòa nói.


Ngoài ra, ông Hòa cũng cho biết, chiếc tàu ngầm Trường Sa mới đang trong gia đoạn hoàn thành, còn phải trải qua rất nhiều các cuộc thí nghiệm nữa mới có thể sử dụng được vào thực tế.

Hiện tại, chiếc tàu ngầm Trường Sa chưa có cuộc thực nghiệm nào cả. "Tất cả các thông số mà tôi đưa ra là dựa trên kết quả của sự tính toán cụ thể, khoa học. Rất mong khi đưa vào thực tế nó sẽ gần nhất với những con số mà tôi đã nói trước đó", ông Hòa chia sẻ.

Ngoài ra, vị chuyên gia tại Viện Cơ khí Động lực cũng bày tỏ quan ngại về chiếc bể thử nghiệm tàu ngầm mà ông hòa đang xây dựng: "Việc xây dựng bể để thử nghiệm cũng cần phải xây dựng theo tiêu chuẩn riêng, có thể tạo ra môi trường giống như ngoài thực địa: Có dòng chảy của nước, có san hô, chướng ngại vật...chứ không phải chỉ là cái bể chứa, bỏ tàu ngầm xuống là xong.

Tôi khẳng định, việc xây bể thực nghiệm rất tốn kém, chưa có một tổ chức nào của Việt Nam có đủ kinh phí để có thể xây bể thực nghiệm tàu ngầm“.

Đáp lại sự quan ngại này, ông Hòa khẳng định: "Đối với việc chế tạo tàu ngầm, người ta phải thử nghiệm qua hàng trăm hàng nghìn bước khác nhau. Với tàu ngầm mini Trường Sa của tôi cũng thế, cũng phải trải qua rất nhiều thử nghiệm.

Cái bể thử nghiệm tôi đang xây dựng phải khẳng định rằng không thể thử nghiệm được tất cả các hạng mục nhưng nó sẽ thử nghiệm được những thứ tối thiểu nhất.

Hình ảnh chuẩn bị xây dựng bể chứa tàu ngầm
Điều đầu tiên là việc khi đưa con tàu xuống bể thử nghiệm, động cơ AIP của con tàu Trường Sa sẽ hoạt động dưới nước như thế nào? Nếu nước đã phủ trùm con tàu, không cần pin, điện mà động cơ vẫn hoạt động được thì đó hoàn toàn là kết quả đáng vui mừng.

Thứ hai nữa là hệ thống đảm bảo sự sống cho người ngồi trong tàu điều khiển. Điều này nó không phụ thuộc đó là bể nhân tạo hay ngoài biển, khi nước đã phủ kín con tàu thì sự sống ở đâu cũng như nhau thôi.

Rồi tiếp đến là thử nghiệm sự nổi lên lặn xuống của con tàu, sức đẩy của nước trong bể thử nghiệm tuy không giống như ở ngoài biển nhưng nó cũng có nguyên lý tác động giống như thế. Còn việc xây bể thử nghiệm có dòng nước chảy, có san hô, hay chướng ngại vật như vị chuyên gia ở ĐH Bách Khoa Hà Nội thì tôi khẳng định là không nước nào trên thế giới có thể xây dựng được".

Ông Hòa cũng thừa nhận: "Ngoài việc thử nghiệm các điều trên cho con tàu Trường Sa của mình thì những điều kiện khác khó có thể thử nghiệm hết được. Như kiểm tra áp lực, độ thẩm thấu của nước, hệ thống rada,...".

Lý giải cho những thắc mắc của vị chuyên gia đối với mình, ông Hòa cho rằng: "Có thể kiến thức của thầy quá giỏi và thầy biết quá nhiều nên có những đòi hỏi ở mức chuẩn mực nhưng thực chất chẳng ai có thể làm được như thầy mong muốn cả".


                                                                                                                        Nguồn:      Baodatviet.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top